Cơn bĩ cực" ngành thép chưa thực sự qua đi: Nhiều doanh nghiệp vẫn thua lỗ trong quý 2, thách thức còn tiếp diễn trong quý 3 tới?
KIS nhận định ngành thép sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2023 trong bối cảnh sản lượng bán ra không tăng trưởng đáng kể.
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán KIS cho biết tốc độ tăng trưởng doanh thu trong quý 2 của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán giảm 28% so với cùng kỳ năm trước.
Xét riêng từng doanh nghiệp, cả 9 doanh nghiệp thép hàng đầu trong ngành đều có mức tăng trưởng âm trong doanh thu. Hòa Phát (HPG) ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu âm 21% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, doanh thu của NKG ở mức giảm 24% trong khi HSG chứng kiến đà giảm 29%.
Điểm tích cực là doanh thu đi ngang so với quý 1 trước. Điều n��y có nguyên nhân bởi lực cầu thấp ở thị trường nội địa và doanh thu bán hàng tốt hơn trên thị trường quốc tế. Tăng trưởng mạnh mẽ của kênh xuất khẩu được nhìn thấy thông qua khối lượng xuất khẩu HRC với 1,1 triệu tấn, tăng 128% so với cùng kỳ năm trước và tăng gần 55% so với quý 1.
Xét về lợi nhuận, đà tăng trưởng của tổng lợi nhuận trong quý 2/2023 của 24 doanh nghiệp thép ghi nhận sụt giảm. Tổng lãi ròng đạt 498 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng nhẹ 7% so với quý 1 liền trước.
Dù vậy, gần một nửa trong số các doanh nghiệp thép niêm yết vẫn thua lỗ trong quý 2. Trong top 9 doanh nghiệp thép có doanh thu cao nhất, NKG lãi 125 tỷ đồng sau khi thua lỗ 3 quý trước trong khi HSG chỉ lãi 14 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng của HPG thì giảm 64% so với cùng kỳ xuống còn 1.447 tỷ đồng nhưng đã phục hồi đáng kể so với quý 1.
ADVERTISING iTVCfrom Admicro
KIS nhận thấy biên lợi nhuận gộp đã được cải thiện nhẹ trong quý 2, từ 5,5% lên 7,4% khi áp lực chi phí hàng tồn kho đã không còn. Theo ước tính, tổng lượng tồn kho (đã bao gồm dự phòng giảm giá) của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán cuối quý 2 có giá trị vào khoảng 61.000 tỷ đồng, giảm 7.000 tỷ so với thời điểm cuối quý 1.
Lực cầu yếu vẫn sẽ là mối lo ngại
KIS dự báo quý 3 sẽ là một quý đầy thách thức nữa đối với các doanh nghiệp sản xuất thép khi nhu cầu thị trường yếu do mùa mưa và giá bán giảm sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Tổng sản lượng tiêu thụ trong quý 3 có thể giảm 9% so với quý trước xuống mức 5,8 triệu tấn.
Đối với nguyên vật liệu đầu vào, KIS cho rằng giá đầu vào của các nhà sản xuất thép sẽ không tăng cùng tốc độ với giá nguyên liệu đầu vào của thị trường. Do đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất thép sẽ bị ảnh hưởng nhẹ do giá bán giảm, song vẫn đi ngang trong quý 3 tới nhờ vào chi phí nguyên vật liệu đầu vào thấp và ổn định.
Đặc biệt, kênh xuất khẩu có thể là điểm tựa cho các nhà sản xuất thép Việt Nam trong quý 3 khi nhu cầu trong nước được dự báo sẽ chững lại. KIS dự báo giá HRC phục hồi trong quý 3 sẽ tác động tích cực đến doanh thu và lợi nhuận của các công ty từ cuối tháng 9 và trong cả quý 4 năm nay.
KIS nhận định nghành thép sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2023 trong bối cảnh sản lượng bán ra không tăng trưởng đáng kể, cản trở doanh số bán hàng của thị trường. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và các vấn đề trong nước liên quan đến lĩnh vực trái phiếu và bất động sản có thể đe dọa hơn nữa đến kết quả kinh doanh của ngành và lực cầu yếu vẫn sẽ là mối lo ngại trong năm nay.
Phương Linh
Nhịp Sống Thị Trường